Em đã có chồng chưa?

Cho tới thời điểm vào nhà em, tôi vẫn là một cậu bé đúng nghĩa, tôi có khái niệm giới tính chứ chưa có khái niệm dục tính. Em để tôi nằm rồi lăng xăng chạy lấy khăn, nước ấm rửa cho tôi. Đi học về nhà em mặc một bộ đồ thun dày. Tóc búi lọn đơn giản. Thằng tôi lúc đó nhận xét là em dễ thương. Ngoài ra cũng chưa có ấn tượng nào khác. Thằng Sơn mụn và Em thay nhau rửa vết thương cho tôi, em may lại cho tôi cúc áo bị đứt. rồi chúng tôi đi về.

Nhờ anh chị dấu diếm bố mẹ mà tôi thoát khỏi cảnh roi vọt.

Ngày khai giảng rơi vào thứ 6 nên nhà trường quyết định cho học sinh khối 6 qua đầu tuần mới học, thay vào đó là đi vệ sinh lớp, quét vôi tường và nhỏ cỏ sân trường.

Sáng trời bắt đầu lạnh và sương muối. Tôi tỉnh giấc bởi tiếng chuông đồng hồ báo thức. Đêm qua là một đêm ác mộng. Tôi mơ thấy cảnh rượt chém nhau, cảnh thằng Nam bổ dao vào đầu tôi, cảnh máu me đầm đìa. Và mơ cả em. Em trong bộ đồ “ Long nữ” ôm tôi thắm thiết vào lòng. Tất nhiên tôi là “Dương quá” rồi.

Tỉnh giấc thấy mình đau ê ẩm. Buồn cười vì giấc mơ đêm qua, lần đầu tiên tôi mơ thấy “gái”….

Nhà tôi thì từ lớn đến nhỏ, càng nhỏ có quyền ưu tiên. Chị cả tôi giờ đang học đại học Đà Lạt rồi, còn anh trai và chị hai tôi sáng sớm thức dậy thổi cơm. Mẹ tôi dạy anh chị tôi rất hay. Vì đám củi mà tụi tôi đi mót về hầu hết là cành nhỏ, nên để có thể lấy than cho cơm chín rất khó, nên mẹ kêu tụi tui lấy một miếng sắt vuông lót dưới đáy nồi, khi cơm vừa sôi xong là bỏ vào, lửa vẫn đun bình thường, cơm vẫn chín mà không bị khê. Nói chung công việc dọn dẹp nhà cửa buổi sáng do anh chị tôi đảm nhận. Tôi và nhóc út chỉ việc ngủ dậy đánh răng rửa mặt, ăn cơm rồi đi học.

Mẹ tôi cũng không có thói quen cho tiền con cái đi học, lí do đơn giản là không có tiền. Nuôi năm đứa con đi học là cả một sự vĩ đại với bậc cha mẹ hồi đó. Nhà tôi là do có truyền thống và sự quyết tâm mà thôi, các nhà khác hầu như trong đám anh chị em đều có một đứa phải hi sinh việc học.

Ở quê tôi, khái niệm ăn sáng ngoài đường hồi đó không có. Tính từ đầu quốc lộ tới đuôi làng, chỉ duy nhất có một quán cháo lòng tiết canh của bà Tư mập. Mà chỉ có người lớn và đám thanh niên ngồi. Con nít tụi tôi chẳng bao giờ lớ rớ tới. Trường cấp 1 giống như một hình thức phổ cập chữ. Trước đây trường đó là một cơ sở của tu viện, sau đó tu viện cho nhà nước mình để trưng dụng làm trường học, trường xây trước năm 1975 nên xuống cấp trầm trọng. Đám con nít quê nghèo cũng chẳng gia đình nào có điều kiện mà quyên góp xây lại. Chủ yếu là hư hỏng, ví dụ như bữa mưa quá bị dột, thấy kêu tụi tui nói mấy ông bố lên sửa lại…

Trước cổng trường ngoài một xe kẹo kéo của ông Thắng thì cũng chả ai tập trung buôn bán. Ông Thắng có một món mà đám con trai tụi tui rất nghiền. Đó là kẹo kéo. Trước khi kéo mỗi đứa phải đưa ông 200 đ hoặc 500 đ. 200đ 2 phát còn 500đ thì được 6 phát. Súng là một ống đồng thật dài , cò kéo mang tính cơ học, Đạn làm bằng nhựa cao su có gắn sợi dây để khỏi văng mất. Bia đạn là một vòng tròn trong đó có các vòng tròn nhỏ, tùy độ khó hay dễ mà ghi điểm. Nói chung lớn lên mới biết ông Thắng “lừa tình”. Thằng nào bắn được tổng số điểm lớn hơn thì ông kéo cho một khúc kẹo dài ra, còn ít điểm thì ngắn hơn, chung quy là vẫn từng đó kẹo. Nhưng lớn mới biết, còn hồi nhỏ, ngoài chiến lợi phẩm là kẹo dài hay ngắn nó còn là chiến tích để mà đi khoe khoang với bạn bè.

Trường cấp 1 với những kỉ niệm đẹp vậy, thế mà ngày đầu tiên lên cấp 2 tôi đã bị dợt tơi bời. Thật là thảm cảnh. Thế nên tinh thần siêng học vốn dĩ háo hức được một tí trong thời gian nghỉ hè vô tình theo trận đánh nhau với bọn thằng Nam hôm qua đi mất. Nó không chỉ đi trong tôi mà còn đi luôn trong đám thằng Lợi, Sơn, Phong, Cần,…

Thay vì đi dọn dẹp vệ sinh trường, chúng tôi cúp cua. Mà chưa hẳn là vì nản học, lí do nữa là trận chiến hôm qua. Chúng tôi thắng trận oai hùng ( dĩ nhiên trừ thằng hi sinh dẫn địch và đồn) , đám tụi thằng Nam bị ăn mấy cây gậy và đám đá tơi bời – không khác gì tôi. Nói như một vị doanh nhân nào đó: Trận chiến nhỏ đã thằng, trận chiến lớn thì bại. Không sớm thì muộn, tụi thằng Nam sẽ trả thù, và thằng nó thích nhất chắc chắn là tôi rồi. Do đó, không ai bảo ai, bọn tôi lại tập trung một chỗ bàn tính. Nếu cứ đề tình trạng này kéo dài thì tụi tôi no đòn. Hôm qua địch dám qua làng K, tức là ở làng G bọn nó sẽ không xem tụi tui ra cái quái gì.

Mấy thằng trốn lên ngọn đồi đối diện với trường nhìn về tương lai với trạng thái ảm đạm. Thực sự mà nói. Đây là điều rất khó. Nhìn tới nhìn lui một hồi thì cũng thấy đám học sinh lớp 6 ra về, tụi tui cũng phải về thôi, nếu không bố mẹ biết. Thằng Lợi, Phong đi một đường tắt từ đỉnh đồi về nhà, Tôi với thằng Sơn, Cần về theo đường hôm qua đi. Không ai nói ai câu nào.

Đi một quãng ngoái lại, không thấy Sơn và thằng Cần đâu. Tôi giật mình. Thì ra đến ngã ba về nhà, tôi đã không rẽ mà đi thẳng – theo hướng mà hôm qua đổ máu. Chân đá vào đám cỏ ven đường, lững thững…

– Phong ơi Phong, Chờ tui xíu. – Có tiếng con gái vang lên.

Thì ra là Em, tôi ngoái lại thấy Em từ đằng xa chạy tới, khuôn mặt nửa rạng rỡ nửa lo lắng.

– Phong ơi, đám hôm qua lên lớp tìm đó. Chắc tụi nó sẽ trả thù. Cũng may bạn không đi lao động. Mà sao hôm nay bạn nghỉ zậy?

– À, tui còn đau nên bố mẹ cho nghỉ ở nhà. – Tôi đáp.

– Vậy hả? Ủa mà sao nghỉ ở nhà còn đi tới đây chi? Mặc đồ lao động nữa.

Tôi đơ lưỡi ra không nói gì, hông lẽ nói mình sợ.

Em nhìn tôi đăm chiêu rôi sau vài giây mặt mày giãn ra như khám phá ra điều gì đó. Mỉm cười không nói, ánh mắt lộ vẻ tinh lanh. Tôi tránh nhìn vào mắt em hệt như kẻ tù tội bị bắt quả tang vậy. Tay bỏ túi quần thủng thẳng đi. Em chạy vội theo, níu tay tôi và nói:

– Ông vào nhà tui chơi uống nước rồi về.

Chả hiểu sao tôi lại gật đầu…

Phần 2

Nhà em không có ai ở nhà, tôi hỏi thì Em nói là ba mẹ đi làm hết rồi.

Gia đình em vốn dĩ không phải người gốc Bắc như chúng tôi. Chỉ mới chuyển đến đất khỉ ho cò gáy được hơn 10 năm. Và sống cũng khá tách biệt với xóm làng xung quanh, Trong khi đa phần người dân ở đây làm vườn thì ba mẹ em lại là công nhân viên chức nhà nước. Mẹ làm ở hội phụ nữ huyện DiLinh. Ba em làm giáo viên dạy học.

Chúng tôi ngồi thềm hè nói chuyện, dưới giàn hoa thiên lài mát rượi.

Em mang cho tôi một cốc nước mát lạnh.

Bỏ qua những e ấp ban đầu.

Câu chuyện ngày càng trở nên sinh động và đi sâu vào tìm hiểu thân thế gia đình. Tôi kể cho em nghe về gia đình tôi, về chị cả tôi học giỏi cỡ nào, về những trò đánh đấm và nghịch phá xóm làng. Em ngồi nghe và cười khúc khích trước những tình huống hài hước tôi kể. Em có một khiếu bẩm sinh về nghệ thuật lắng nghe và kích thích người khác nói, chỉ bằng đôi mắt chớp chớp… môi mỉm cười . Nó thôi thúc chàng trai phải tuôn ra những bí mật thầm kín. Tôi cũng không ngoại lệ, tôi kể cho em nghe những bí mật chưa bao giờ kể với ai… như kiểu quần không khóa kéo đi học. Tôi cứ kể miết kể miết cho đến khi phát hiện em ở gần tôi hơn bao giờ hết. Tay đang quàng qua khoác tay tôi, đầu hơi gục nhẹ vào đầu tôi ngủ gật.

Hây… da… Thật là cụt hứng quá đi.

Tôi ngồi im một lúc ngắm lũ ong hút mật trên giàn hoa.

Mỏi tay nên khẽ rung lay em dậy.

Buổi thăm nhà em lần thứ hai kết thúc như vậy đó.

Không rõ em thế nào chứ tôi biết là tôi đã thân em hơn rồi, ngang bằng tình cảm dành cho Sơn mụn chứ không ít.

Tôi về mà lâng lâng, quên cả việc phải giải quyết hậu quả đánh nhau hôm qua.