Dưới gốc cây đào

Thân thể tôi bắt đầu mềm nhũn, dường như nàng cũng vậy. Hai đứa tôi nằm im trong im lặng bối rối vô cùng, tôi không biết phải làm sao tiếp theo nữa đây, dường như mọi sinh khí trong cơ thể tôi tan biến đi đâu mất hết.

Chợt nàng quay đầu sang tôi, nói khẽ:

– Anh có yêu Vy không ?

– Có!nhiều nữa là đằng khác.

Nàng không nói gì nữa rồi hôn nhẹ lên môi tôi, bảo đi về không mọi người bắt gặp. Bọn tôi vội vã mặc quần áo vào rồi bịnh rịn chia tay nhau về.

Tôi thưa chuyện với má. Má tôi chạy bà mai qua nhà nàng. Tôi phập phồng. Lúc về má tôi hầm hầm. bà mai kể: Ba má nàng là người tiến bộ, không tính chuyện giàu nghèo. Hơn nữa ông có ít nhiều thiện cảm với tôi trong những lần gặp trước đây. Vì vậy, ông bà chấp thuận gả Vy cho tôi. Song, ông có một điều kiện là tôi phải chịu phép rửa tội và vào đạo. Má tôi không đồng ý. Đã vậy, bà còn bảo, bà có ý định khi cưới nàng về sẽ bắt nàng bỏ đạo Công giáo để theo đạo Phật và ăn chay trường, để khi đến hội long hoa gì đó được lên Tiên giới. Vậy là hai bên nổ ra một cuộc tranh luận vừa nhằm bảo vệ đạo giáo vừa nhằm lôi kéo”cô dâu”, ”chú rể” về phía mình. Cuộc tranh luận càng lúc càng gay gắt. Thấy tình hình không ổn, bà mai kéo má tôi xuống xuồng bơi thẳng một mạch về nhà.

Đêm ấy, tôi đã ngồi ở Vườn đào ma đợi nàng cho đến khi con chim chìa vôi gọi sáng.

Và, nhiều đêm nữa, nàng vẫn không đến. Rồi cậu tôi đi kháng chiến mười mấy năm, về tìm em gái. Ông đưa mẹ con tôi lên Sài Gòn sinh sống. Ở thành phố, má tôi trở thành người buôn bán nhỏ. Tôi vào học bổ túc theo tiêu chuẩn “gia đình cán bộ”. Rồi vào ngành viết lách.

Vào mùa đào chín của hai mươi mấy năm sau, nhân một chuyến công tác về quê cũ, tôi thăm lại vườn đào năm xưa. Như có phép lạ, vườn đào đã biến thành nhà nuôi dạy trẻ xinh xắn. Chỉ có một gốc cây duy nhất ở trước sân, gốc to, da mốc thếch nhưng cành lá vẫn sum suê và đầy trái chín, chứng tỏ được chăm sóc rất kỹ. Dưới gốc cây lũ trẻ đang quây quần bên một nữ tu

– Chào chú! Một đứa bé trông thấy tôi lể phép cúi đầu chào.

Tôi đứng sững lại trân trối nhìn xơ. Mắt xơ xa vắng. Nhưng vẫn vương lại nét long lanh thời son trẻ.

Xơ nhỏ nhẹ:

– Chào ông!Xin lỗi ông đến có việc gì?

Tôi giở nón cầm tay.

– Vy không nhân ra..…. tô.. i sao?

– Ông đã thiếu mất một tiếng xơ!

Tôi hiểu ý nàng;

– Tội tình gì vậy Vy ơi?

Nàng quay người bước đi. Lũ trẻ ngơ ngác. Tôi bước theo nàng vào phòng khách. Giọng xơ Vy trầm trầm….

Sau cái bận má tôi và ba má nàng “tranh luận”…. nàng biết mối tình đầu của hai đứa tôi không có kết quả. Nàng có ý định bỏ trốn cùng tôi đi thật xa, nhưng rồi nàng nghĩ, không lẽ nhưng đôi trai gái Đạo và Lương yêu nhau đều phải bỏ trốn sao. Nàng muốn làm một điều gì đó để xoá bỏ ngăn cách hai tôn giáo, đặc biệt là trong hôn nhân. Nàng muốn chứng minh trai gái khác đạo lấy nhau vẫn hạnh phúc. Nhưng đó là một việc quá lớn đối với một con chiên bình thường như nàng. Muốn thực hiện nàng phải có chút địa vị trong đạo. Vậy là nàng quyết định trở thành tu sĩ. Về giáo phận này nàng xin với chính quyền phá bỏ vườn đào ma, chỉ giữ lại cây đào thứ 12 (Vì sao chắc các bạn cũng biết) để xây nhà giữ trẻ cho 2 xóm Đạo và Lương. Thật ra nàng muốn xóa bỏ vườn đào ma mấy chục năm qua ngăn cách hai xóm. Khốn nỗi, người ta không dám đốn đào, vì sợ tiểu thư Vạn Hòa. Nàng phải tự tay cầm búa đốn cây đầu tiên…. Và nhà giữ trẻ mọc lên là cầu nối, là nơi gặp gỡ, làm quen giữa trai gái hai xóm Đạo và Lương. Nàng đã chủ trương thuyết phục các bật cha mẹ hai xóm cho trai gái được tự do yêu nhau. Đến nay đã có 15 cuộc hôn nhân như vậy và họ sống rất hạnh phúc.

Kể xong xơ Vy hỏi tôi về chuyện gia đình:

– Ông được mấy cháu rồi?

– Hai, xơ ạ!

– Bà chắc cũng là người nhà nước?

– Vâng! nhà tôi công tác ở nghành Y!

– Tôi luôn cầu chúa ban phước lành cho ông.

Tôi lấy viên thuốc chữa rắn mà lúc nào cũng khư khư bên mình ra. Nàng dửng dưng:

– Ông là người thành phố rồi! Còn giữ nó làm gì?

– Làm gì ư ? Cũng như xơ, đã là tu sĩ sao không đốn bỏ cây đào thứ 12!

Xơ cúi khẽ, giấu đôi mắt buồn. Tôi ngậm ngùi:

– Giá như…

Xơ Vy ngước lên , cắt lời tôi:

– Mọi việc trên đời sao lại có thể giá như , phải không, thưa ông?

Nàng tiễn tôi ra sân. Bất giác hai chúng tôi đều dừng lại ở gốc đào. Nơi đây, hai mươi mấy năm trước, vào một mùa đào chín…