Cơn mưa Sài Gòn

Truyện dựa trên những sự việc có thật của đời tôi, nó đã đi xa nhưng luôn là một phần kí ức đẹp với tôi. Tôi viết câu chuyện này cho những người muốn có được tình yêu đích thực của mình, chứ không dành cho ai xem tình yêu là trạm xe buýt của cuộc sống. Để rồi mỗi khi nó dừng trạm, người kia lên người nọ xuống.

Đường đời ai chả có lần vấp ngã, lúc nhỏ ta thường vui chơi vô tư chuyện trầy xước. Khi lớn một tí ta mới trân trọng cảm giác đau của cơ thể. Rồi đến với trưởng thành là khi chúng ta nếm được vị xót xa của tâm hồn. Bước qua những chặng đường dài con người mới biết nhận thức. Khi có nhận thức là sự bắt đầu của thay đổi, hay họ chỉ chấp nhận với những thứ cũ kĩ vì sợ phải đối diện với cái mới.

– Lên lẹ đi, dòm cái gì nữa. – Tiếng một người phụ nữ trên xe vọng xuống.

– Dạ.

Có bao giờ ta nghĩ đắm mình trong bãi cứt, ta mới trân trọng những tháng ngày mồ hôi nhễ nhại để rồi mong muốn tới nhiều lúc thơm tho khác. Dù gì ta cũng phải chấp nhận các cuộc hôi thối nào đó, tôi không gọi tình yêu cũ là hôi thối chỉ vì nó chẳng đi tới đâu mà miếc tôi vào cặn bã. Chỉ vì nó đã cho tôi những lần thơm tho, những cuộc “lao động” đầy hăng say cho tình yêu. Từ đó mới nhận ra rằng: Gương trái để nhìn đường, gương phải tôi không gắn vì hết muốn thấy mặt em tự khi nào.

Có ai từng trải qua đời sinh viên mà không thấy chán nản đôi lần, có ai từng bảo thời cấp ba không đáng để sống lại với nó cho mong đợi, có ai nói tuổi thơ là gì đó xa xỉ chỉ cho những người thích mơ mộng sống dựa vào quá khứ… Đừng bắt tôi lảm nhảm với mấy điều trên, vì còn nhiều thứ tôi chưa kể hết được. Biết đâu một ngày guồng quay đổi chiều, ta trong cơn mơ về một thời ta từng nhớ.

Tất nhiên là một trong nhiều cơn đê mê dẫu trời đã sáng, tôi bắn mình dậy vì hôm nay là buổi sinh hoạt công dân đầu khóa đầu tiên của lớp mình chứ không phải vài tháng trước. Tức là hôm nay là ngày đầu tiên đến lớp, mong cô giáo như mẹ hiền, thực sự là lớp đại học.

Lần đầu tiên vào Sài Gòn, ý lộn thành phố Hồ Chí Minh tôi đã bị ném đi một mình lên xe buýt.

– Lên lẹ đi, dòm cái gì nữa. – Tiếng một người phụ nữ trên xe vọng xuống.

– Dạ. – Tôi bước lên chiếc xe buýt đầu tiên của cõi đời mình.

Đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi tại đất người ta. Chuyến xe buýt số 8 thật kinh hoàng, nó tràn đầy “nhựa sống” bởi mấy chục người đang trút từng hơi thở lên nhau bao gồm cả gái lẫn trai, đương nhiên người già và trẻ em được nhường ghế đâu đó. Thật sự mong sao chuyến đi này chóng qua để tiếp tục con đường học tập đầy hứa hẹn ở phía trước.

Xe buýt dừng ở trạm 27 tháng 7 gì đó, thấy cả đám người đi xuống xe, chỉ toàn là con gái mới lạ chứ, tôi mừng thầm đã thoát được những mớ hỗn độn chèn ép tôi nãy giờ. Thế nhưng nào ngờ ông đi qua bà đi lại, một toán người hầm hổ bước lên xe để thay thế đám trước.

Cứ thế cứ thế mãi, đến trạm kí túc xá nào đó, tôi thấy nhiều học sinh đi xuống xe quá, nên bèn xuống theo chứ không là lạc mất đám đông. Nhưng xuống rồi mới biết, đây là kí túc xá khu A, còn trường tôi phải đi một đoạn dài nữa mới đến.

– Không hiểu tại sao mấy người kia làm gì mà xuống chỗ đó đông thế không biết? – Tôi chửi thầm trong lòng.

Tôi hỏi han đường đến trường, tới nơi thì nhận ra có gì đó không ổn sau lưng. Thật khốn nạn thay, chiếc xe số 8 chạy ngang qua trường tôi. Nhìn cổng trước mới khan trang làm sao: Đại học Khoa học tự nhiên.

Bỏ qua những thứ râu ria khác, những ngày đầu tới lớp thật chán nản, lớp toàn “đực rựa” với nhau. Nhìn quanh quất lác đác vài người con gái. Đến một hôm nọ, đang mải nhìn ngoài cửa sổ của lớp, có một cô gái bước vào với dáng vẻ yêu kiều, khuôn mặt tinh khiết quá đỗi. Lần đầu sau ngần ấy thời gian, con tim tôi lại trở nên xao xuyến lạ thường. Là từ khi tôi đã quá miễn cưỡng chấp nhận người cũ, để một ngày không thể chấp nhận thêm được nữa. Nhưng tôi xin phép không nhắc lại vấn đề này trong chặng đường đời hiện tại.

Tôi vốn nhát gái bẩm sinh, điều này không ai biết nhưng với tôi đã quá rõ ràng. Còn với việc làm quen bạn mới thì đâu thể nào bỏ qua được, với lại từ mấy ngày nay tôi đâu có trò chuyện với người bạn nào trong lớp.

– Chào bạn. – Tôi quay khều bạn nữ phía trên.

– Hở! À mình tên Linh. – Nhỏ quay lại đáp với giọng tựa như tiếng Huế mới chạnh lòng làm sao. Chả là tôi thích tiếng Huế từ xưa giờ, quả này khó lòng mà tôi qua khỏi.

– Mình tên Trường, bạn ở Huế hẳn?

– Không phải, mình ở Quảng Trị. Bạn ở đâu vậy? – Nhỏ cười mỉm hỏi, nét cười rất dung dị.

– Mình quê Bình Định, bạn…

– Chào hai bạn, cho mình làm quen với. – Đang nói thì bị con nhỏ nào đó bên cạnh Linh chen vào.

– À, ừ. Hi. – Tôi và Linh tất nhiên đều đồng ý rồi.

Rồi ba đứa trò chuyện với nhau, nhỏ Ánh đến từ Khánh Hòa. Tôi không biết kể như thế nào vì những câu chuyện làm quen thì ai nấy đều hiểu rồi, sơ sơ mọi thứ thôi. Điều quan trọng là Linh ở kí túc xá, tôi lại ở trọ. Tuy không có trắc trở gì cho sự mơ mộng của tôi lắm nhưng cứ thấy sao sao ý.

Từng ngày trôi qua, tôi càng hiểu hơn về Linh và cả nhỏ Ánh cũng trở thành bạn thân tự lúc nào. Một tháng học quân sự làm tôi rời xa Linh gián tiếp, Ánh và Linh thì bên đại đội 35, tôi ở đại đội 36. Biết sao được bây giờ, lâu lâu thăm hỏi vài câu rồi nhìn em từ xa chứ đâu thể ngồi tán dóc như mọi khi trong lớp.

Trở về với hiện tại, bây giờ đã là thằng sinh viên năm 3 vài ngày nữa đến cuối mùa đại học. Tôi vẫn ngồi trước cửa phòng trọ nhìn lên khu chung cư to bự bên cạnh. Đời tôi 3 năm qua trôi dạt về đâu không rõ nữa, trong khi bạn bè đứa thực tập, đứa lo sốt vó thực tập. Còn tôi não trống rỗng, chẳng có gì làm vốn.

Không phải tôi không biết suy nghĩ định hướng gì. Mà tại cuộc đời tôi chỉ thấy những thứ mơ hồ không rõ ràng tí nào cả. Bởi những đứa bạn xung quanh, toàn những kẻ chán đời, buông thả vào số phận, không thấy sự phấn đấu nào của chúng nó. Ai nghĩ thì mặc kệ, tôi biết là điều tốt sẽ không đến với người an nhàn. Nhưng thôi.

Tầm 2 năm trước, khi cô bé Quảng Trị tôi đã vắt công tìm hiểu. Với tư cách là bạn thân nên việc rủ đi ăn uống chả có gì là khác lạ, nhưng khác mỗi điều là nhỏ Ánh luôn đi chung với Linh. Việc này khiến tôi vẫn chỉ là tôi, là thằng bạn khác giới cười nói vui vẻ. Nhưng trong thâm tâm tôi muốn được có một gì đó khác hơn, bởi vì tôi trúng phải làn gió tạo bởi nụ cười Linh, và cơn sóng dữ từ giọng nói miền Trung của em.

Đã có những lần, Linh với tôi đi dạo chung trong ký túc xá chỉ vì lý do là tôi không biết đường trong đó mà phải đi đá bóng với lớp. Hay những lần tôi giả vờ vô phòng của thằng bạn ở tòa A15. Nhưng đa số là tôi giả vờ, để được nói chuyện đi cạnh Linh một cách riêng tư nhất có thể, dù đó chỉ là đi giữa chốn đông người.

Ngày nọ, Linh gửi tôi vài tấm ảnh giày hỏi rằng tôi thấy đôi nào đẹp. Sau đó mới biết hai đứa đồng quan điểm, hay thay em hỏi tôi chứ không phải ai khác. Những trận bóng trong ký túc xá của tôi Linh chẳng bao giờ đi xem cho dù rủ rê nhỏ Ánh đi cùng như thế nào. Thực sự tôi chỉ muốn cho em biết là khả năng chơi bóng của mình không phải dạng vừa, tức là tôi có tài lẻ thôi.

Thời gian trôi qua thấm tháp cũng gần hai tháng đầu đi học, tôi quen dần với nhịp sống Sài Gòn, nhất là lượng người đông như “xe heo” trên chuyến số 8 mỗi sáng. Còn với Linh, không biết có phải không, em chẳng hào hứng gì với tôi. Vốn dĩ ta chưa cho nhau được điều gì tươi đẹp, nồng thắm. Những gì ta có đều là tình bạn, một cách đơn thuần.